Mourinho đối đầu Lampard: Có không chuyện sư phụ thua đệ tử? – Lăng kính

Luận về “kỹ thuật” thuần túy, có thể nói Nhạc Bất Quần khi ấy đã là thiên hạ đệ nhất kiếm thủ rồi. Vậy mà khi đối đầu đệ tử cũ ở phái Hoa Sơn là Lệnh Hồ Xung, Nhạc Bất Quần lại thua.

Đấy là chuyện trong Tiếu Ngạo Giang Hồ (Kim Dung). “Sư phụ mà thua đệ tử” là kịch bản khá quen thuộc của cây bút bậc thầy này. Trong Cô Gái Đồ Long, trận đánh kinh thiên động địa giữa kẻ đại ác Thành Khôn và Kim mao sư vương Tạ Tốn cũng đi đến kết cục như vậy. Còn trong Thiên Long Bát Bộ thì Tinh tú lão quái Đinh Xuân Thu từng thắng cả sư phụ Vô Nhai Tử lẫn sư đệ Tô Tinh Hà trong cuộc “đảo chính” ở phái Tiêu Dao.

Vâng, tất cả đều là sản phẩm từ trí tưởng tượng thuần túy của Kim Dung. Nhưng các nội dung ấy đều hợp lý, với tính logic rất cao. Những kết cục bất ngờ, đầy kịch tính ấy lại rất tương đồng với… các trận đấu đỉnh cao trong bóng đá hiện đại? Cũng trong “truyện Tàu”, nhưng phần nhiều là thực chứ không phải tiểu thuyết thuần túy như các tác phẩm của Kim Dung, còn có bộ Binh Pháp Tôn Tử, rất đáng để gối đầu giường. Trước khi dự VCK World Cup 2002, HLV Felipe Scolari phát cho mỗi tuyển thủ Brazil một cuốn, bảo họ phải đọc để hiểu thêm về các nguyên tắc, hệ thống đấu pháp, về nguyên nhân thắng bại. Brazil vô địch World Cup 2002.

Trong thế bí, Lệnh Hồ Xung tung chiêu “lưỡng bại câu thương” (cả hai cùng chết). Họ Nhạc đành phải né tránh và trận đánh tiếp tục. Tạ Tốn thì chấp nhận “lãnh đòn” trong 3 chiêu đầu để trả nghĩa thầy cũ. Thành Khôn là thầy, nhưng không hiểu trò, nên mới bỏ lỡ cơ hội (nếu biết Tạ Tốn “đàng hoàng” như vậy, hắn đã tung ngay đòn sát thủ từ chiêu đầu). Tương tự, họ Nhạc không hiểu con người của Lệnh Hồ Xung. “Lưỡng bại câu thương” chỉ là giải pháp trên lý thuyết, chứ đời nào Lệnh Hồ Xung thật sự dám đâm kiếm vào thầy cũ. Còn Vô Nhai Tử thì sai lầm ở chỗ không thấy được dã tâm của đệ tử Đinh Xuân Thu. Ngược lại, họ Đinh hay họ Tạ đều rất hiểu thầy, dù chi tiết cụ thể khác nhau và thắng là nhờ vậy.

Jose Mourinho (ngày trước) càng tài giỏi về chiến thuật thì Frank Lampard càng hiểu rõ, cả về Mourinho lẫn những chỗ hay trong chiến thuật bóng đá nói chung. Mourinho thì đâu có hiểu Lampard (trong vai HLV). Khi Lampard vang danh với cách bố trí 3 hậu vệ để chiếm ưu thế về nhân sự ở khu giữa sân, từ đó thắng thuyết phục Tottenham của Mourinho ở Premier League mùa trước, đấy chẳng phải là thắng vì quá hiểu các nguyên tắc cầm quân của thầy cũ?

Đấy chỉ là một ví dụ. Mourinho còn háo thắng, ham danh… nữa. Lampard hiểu hết. Nhưng vấn đề bây giờ lại là Mourinho đã… khác bao nhiêu. Chứ nếu là “Mourinho cũ”, Lampard thắng được!

 

Nguồn: copy